Học tiếng Anh bắt đầu từ đâu?

Tin tức

Đây là một câu hỏi lớn thường được đặt ra khi bắt đầu học tiếng Anh. Có vô vàn bài viết cũng như video chia sẻ về chủ đề này trên mạng nhưng người viết nhận thấy chúng thường không đúng trọng tâm và vẫn khiến người học hoang mang, mơ hồ. Do đó, trong bài viết này, người viết sẽ phân tích và đưa ra giải đáp cho một số câu hỏi nhỏ hơn từ câu hỏi lớn này gồm: Học tiếng Anh là học những nội dung gì? Học nội dung nào trước? Nguyên tắc học hiệu quả là gì? Các kỹ năng gì cần phát triển?

 

 

Định hướng và thực trạng của giáo dục Tiếng Anh hiện tại

Theo Chương trình làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 ban hành kèm thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh sẽ được cho làm quen với 3 nội dung ở mức độ đơn giản gồm: Ngữ âm, Từ vị và Cấu trúc.

Ngữ âm: là tập hợp các âm trong tiếng Anh. Các âm này được thể hiện bằng các ký tự trong bảng chữ cái phiên âm (phổ biến nhất là bảng phiên âm quốc tế IPA – International Phonetic Alphabet). Học về ngữ âm chính là học phát âm.

 

 

Từ vị: là từ và cụm từ chỉ các định nghĩa, sự vật, hiện tượng, hành động, … Học từ vị chính là học từ vựng. 

Cấu trúc: là cấu trúc câu hay chính là Ngữ pháp mà chúng ta vẫn thường quen gọi.

Như vậy, học tiếng Anh sẽ bao gồm học ngữ âm, từ vị và cấu trúc. Ngôn ngữ giản đơn thường gọi là phát âm, từ vựng và ngữ pháp. 3 nội dung này kết hợp với nhau tạo nên ngữ liệu để người học dần hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp nghe, nói, đọc, viết.

Hiện tại, việc học tiếng Anh phổ thông thường bắt đầu ở cấp tiểu học (từ lớp 3) cho tới hết trung học phổ thông (hết lớp 12). Trong thời gian đó, học sinh thường chỉ được học về từ vựng và ngữ pháp, không được hướng dẫn về phát âm để tập đọc, tập nói cho đúng âm, đúng ngữ điệu của tiếng Anh mặc dù sách giáo khoa có nội dung về ngữ âm. Thực tế này dẫn tới hệ lụy học sinh không nghe và nói được tiếng Anh. Thậm chí, không dám đọc to một câu tiếng Anh ghi sẵn trên giấy. Như vậy những gì học sinh học được là một thứ ngôn ngữ chết, không dùng được cho thực tế cuộc sống.

Vì vậy, chúng ta nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngữ âm và phải là nội dung được ưu tiên cho giảng dạy. Ngữ âm không tách rời từ vựng và ngữ pháp. Do đó, khi học ngữ âm thì học sinh cũng đồng thời học được từ vựng và ngữ pháp.

 

Hành trình bắt đầu học ngoại ngữ

Một đứa trẻ 4-5 tuổi dù có thể nói chuyện rành mạch với người lớn được nhưng mới chỉ là ngôn ngữ nói, tức là âm thanh, chúng chưa thể đọc hay viết. Như vậy, nghe và nói theo là khởi đầu của quá trình học ngôn ngữ. Điều đó cũng lí giải tại sao một người điếc thì thường sẽ ngọng hoặc câm vì họ không có khả năng nhận biết âm thanh để rồi tái tạo chúng. Đến đây, hẳn chúng ta đã thấy rằng để nói được tiếng Anh thì chúng ta cần phải nghe, nghe đi nghe lại rồi nói nhại theo thật nhiều lần. Lặp đi lặp lại là mấu chốt, là yêu cầu bắt buộc phải làm để học và trở nên thành thạo bất kỳ kiến thức hay kỹ năng nào.

 

Đến tuổi đi mẫu giáo, trẻ được thầy cô và cha mẹ dạy cho bảng chữ cái và tập đánh vần. Đó chính là lúc trẻ bắt đầu học ghép vần, tập đọc và học viết chữ. Ở các cấp học cao hơn, học sinh dần được học thêm các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác để mở rộng nhận biết về thế giới xung quanh. 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là cũng từ đó mà được nâng cao.

 

 

  • Nghe: Là khả năng nhận biết âm thanh, hiểu được nội dung và cảm nhận được cảm xúc của người nói.
  • Nói: Là khả năng tạo ra âm thanh để truyền đạt ý kiến, suy nghĩ, tư tưởng của bản thân cho người nghe hiểu.
  • Đọc: Là khả năng biết đọc và đọc hiểu. Tức là khả năng đọc được và hiểu được văn bản. Khi hiểu văn bản, ta có thể cảm thụ, thưởng thức, đánh giá nội dung văn bản rồi từ đó hiểu được bản thân mình. 
  • Viết: Là khả năng biết viết chữ, viết từ, viết câu, viết đoạn và viết các loại văn bản từ đơn giản tới phức tạp.

 

Trải nghiệm học thử chương trình Đánh Vần Tiếng Anh

 

Để hiểu rõ hơn, chúng ta so sánh một chút giữa học tiếng Anh với học tiếng Việt. Chúng ta có môn học tiếng Việt được dạy từ lớp 1 tới lớp 5, sau đó thì không còn môn tiếng Việt nữa mà sẽ được thay bằng môn Ngữ văn ở trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cả 2 môn Tiếng Việt và Ngữ văn đều nhằm trang bị cho chúng ta công cụ và khả năng cảm nhận thế giới nhưng ở 2 cấp độ khác nhau.

Nghe và đọc là 2 kỹ năng tiếp nhận thông tin. Nói và viết là 2 kỹ năng sản sinh thông tin. Ta nghe càng nhiều, đọc càng nhiều thì ta càng biết nhiều và từ đó giúp ta nói càng hay, viết càng giỏi. Cả 4 kỹ năng bổ trợ cho nhau trong quá trình giao tiếp với người khác. 

 

Qua phân tích trên, ta thấy rằng việc học một ngôn ngữ gồm có 2 giai đoạn:

 

  • Giai đoạn 1: Học nghe, nói, đọc, viết căn bản giúp ta có thể tự tư duy bằng chính ngôn ngữ đang học. Tương tự như học Tiếng Việt ở cấp tiểu học.
  • Giai đoạn 2: Sử dụng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để học khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhằm nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ hiểu thế giới và con người, làm nền tảng học kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp sau này. Tương tự như học Ngữ văn, Toán học, Sinh học,… ở cấp trung học.

 

Như vậy, có vẻ như, việc học Tiếng Anh mà chúng ta thường đề cập đến ở Việt Nam đa phần mới dừng lại ở giai đoạn 1 hoặc có sự trộn lẫn kiến thức của cả 2 giai đoạn dẫn tới không đạt được mục tiêu của cả 2 giai đoạn. Tức là, chúng ta vẫn chỉ mới đang loay hoay với “Tiếng Anh giao tiếp” căn bản mà vẫn chưa xong. 

 

Cần làm những gì hoàn thành giai đoạn 1 này? Hay cần học những gì và theo trình tự nào để ta có thể sử dụng được tiếng Anh như một học sinh sử dụng được tiếng Việt ở tiểu học?

 

 

Dưới đây là một câu trả lời tham khảo cho câu hỏi trên:

  1. Luyện nghe để phát âm tất cả các âm trong ngôn ngữ đó. Khi đã biết cách phát âm thì ta sẽ có khả năng học nói. Tức là học phát âm và học nói xảy ra đồng thời cùng nhau. Nghe càng nhiều thì nói càng hay.
  2. Chữ viết dùng để diễn tả âm thanh nên khi đã có thể nghe, nói thì ta sẽ học đọc và viết đồng thời cùng nhau. Đọc càng nhiều thì viết càng hay.
  3. Học 1000 từ vựng thông dụng căn bản thông qua hình ảnh và audio đọc mẫu.
  4. Học các cấu trúc ngữ pháp căn bản chứa 1000 từ vựng thông dụng căn bản ở bước 3.
  5. Với một đứa trẻ đang bi bô tập nói thì việc học ngôn ngữ sẽ diễn ra một cách tự nhiên và vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, với một người đã qua tuổi tập nói thì việc học ngoại ngữ sẽ cần sự kết hợp đồng thời 4 bước trên.

 

Kết thúc bài viết, chúng ta cùng nhắc lại điểm khởi đầu của hành trình học tiếng Anh là học phát âm. Hãy bắt đầu bước đi đầu tiên và bước thứ hai sẽ diễn ra một cách tự nhiên giống như bánh đà đã quay thì sẽ quay tiếp.

 

Trải nghiệm học thử chương trình Đánh Vần Tiếng Anh




Bình luận (0)

Danh mục Blog

Tin tức mới

Gọi điện
Tư vấn cho tôi
Zalo
Youtube
Google map